Tiêm kích thay thế F-35 của Thổ Nhĩ Kỳ lần đầu cất cánh
KAAN, chiến đấu cơ nội địa thế hệ 5 được Thổ Nhĩ Kỳ đẩy mạnh phát triển sau khi bị loại khỏi chương trình F-35, cất cánh lần đầu tiên.
“KAAN đã thực hiện thành công chuyến bay thử nghiệm đầu tiên. Mong rằng điều đó sẽ mang lại những điều tốt đẹp cho đất nước chúng ta”, công ty Công nghiệp Hàng không Vũ trụ Thổ Nhĩ Kỳ (TUSAS), đơn vị sản xuất tiêm kích KAAN, thông báo ngày 21/2.
Video do TUSAS chia sẻ cho thấy tiêm kích KAAN cất cánh từ căn cứ không quân Akinci ở phía tây bắc thủ đô Ankara và bay trong trạng thái thả càng, quy tắc thường áp dụng trong chuyến bay đầu tiên của mọi loại phi cơ, trước khi vòng trở lại căn cứ. CEO TUSAS Temel Kotil cho biết chiếc tiêm kích đã bay 13 phút và đạt độ cao hơn 2.400 mét.
“Với KAAN, đất nước chúng ta sẽ không chỉ sở hữu một chiếc chiến đấu cơ thế hệ thứ 5, mà còn cả các công nghệ mà ít quốc gia trên thế giới có được”, Haluk Gorgun, người đứng đầu Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ (SSB), bình luận sau chuyến bay.
KAAN là mẫu chiến đấu cơ đầu tiên do Thổ Nhĩ Kỳ sản xuất, nằm trong dự án TF-X được nước này khởi động năm 2016. TUSAS sau đó một năm ký thỏa thuận trị giá 125 triệu USD với công ty quốc phòng BAE Systems của Anh để hợp tác phát triển chiếc tiêm kích.
KAAN ban đầu sẽ được trang bị hai động cơ General Electric F-110, vốn đang được tiêm kích thế hệ thứ 4 F-16 của Mỹ sử dụng, sau đó sẽ chuyển sang dùng động cơ nội địa khi bước vào quá trình sản xuất hàng loạt, dự kiến diễn ra năm 2028. Thổ Nhĩ Kỳ chưa tiết lộ nhiều đặc tính kỹ thuật của dòng chiến đấu cơ này.
Ankara đẩy mạnh phát triển tiêm kích KAAN trong bối cảnh nước này đã bị Washington loại khỏi chương trình phát triển chiến đấu cơ thế hệ thứ 5 F-35 vào năm 2019. Quyết định được Mỹ đưa ra sau khi Thổ Nhĩ Kỳ đạt thỏa thuận mua hệ thống phòng không S-400 của Nga, loại khí tài Washington cho là “nền tảng thu thập thông tin tình báo” của Moskva và có thể đe dọa tới chương trình F-35.
“Thổ Nhĩ Kỳ không thể tiếp tục tham gia chương trình F-35 sau khi đã quyết định mua hệ thống S-400”, Nhà Trắng khi đó khẳng định.
Mỹ sau đó đề xuất bán tiêm kích F-16 để bù khoản tiền 1,4 tỷ USD mà Ankara đầu tư vào dự án F-35. Tuy nhiên, thương vụ này đã bị trì hoãn một thời gian dài do vấp phải phản đối của quốc hội Mỹ, chỉ được khơi thông hôm 27/1 sau khi Thổ Nhĩ Kỳ chấp nhận duyệt Thụy Điển vào NATO như đề xuất của chính quyền Tổng thống Joe Biden.
Quyền Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Victoria Nuland hôm 30/1 cho biết Washington sẵn sàng “chào đón” Ankara quay trở lại chương trình F-35, nếu hai bên giải quyết được bất đồng liên quan hệ thống phòng không S-400.
Ngoài F-35, Thổ Nhĩ Kỳ cùng quan tâm tới dòng tiêm kích châu Âu Eurofighter Typhoon và có kế hoạch mua 40 chiếc loại này.
Phạm Giang (Theo Reuters, Business Insider)