Ngủ ngáy

Ngáy là âm thanh khàn khàn được tạo ra trong vòm họng khi ngủ, từ rất nhỏ đến vừa và tiếng ồn to khó chịu cho người bên cạnh.

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi ThS.BS.CKI Nguyễn Thị Hương, Trung tâm Tai Mũi Họng, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM.

Ngáy là kết quả của sự rung động các mô mềm trong vùng họng do luồng không khí gây ra. Độ to tiếng ngáy phụ thuộc vào các yếu tố tương tác qua lại như khối lượng, trương lực cơ, các cấu trúc liên quan vùng cổ, vận tốc và hướng của luồng không khí.

Tình trạng giãn trương lực cơ khi ngủ có thể là một phần nguyên nhân gây ra ngủ ngáy. Khi ngủ, trương lực cơ giảm, không thể giữ cho đường thở mở đủ rộng để đáp ứng với áp suất âm trong lòng phổi khi hít vào, đường thở trên bị thu hẹp lại. Điều này làm tăng vận tốc luồng không khí cục bộ (đối với một thể tích hít vào nhất định), từ đó thúc đẩy thở khò khè và ngáy.

Yếu tố nguy cơ

– Những người có khả năng cao ngủ ngáy gồm:

– Lớn tuổi

– Béo phì

– Uống rượu hoặc dùng thuốc an thần khác

– Nghẹt mũi mạn tính hoặc tắc nghẽn

– Cằm nhỏ hoặc lẹm về phía sau

– Nam giới

– Phụ nữ tiền mãn kinh

– Mang thai

Các cấu trúc bất thường có thể hạn chế luồng thông khí dẫn đến ngáy như amidan sưng to, lệch vách ngăn mũi, polyp mũi, lưỡi to, hẹp eo họng.

Ngủ ngáy cũng có thể do các yếu tố gia đình như gene di truyền hoặc thói quen ngủ.

Phân loại

Ngáy nguyên phát là tiếng ngáy không kèm theo thức giấc hoặc kích thích quá mức. Ngáy nguyên phát làm hạn chế luồng không khí, giảm bão hòa oxy, rối loạn nhịp tim trong khi ngủ.

Ngủ ngáy có rối loạn nhịp thở khi ngủ bao gồm nhiều loại từ hội chứng tắc nghẽn đường hô hấp trên đến chứng ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn (Obstructive Sleep Apnea – OSA). Mỗi loại có triệu chứng tương tự nhưng khác nhau về mức độ và hậu quả, chủ yếu liên quan đến tắc nghẽn đường thở, rối loạn giấc ngủ.

Theo bác sĩ Hương, chẩn đoán ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn được xác định khi một người có từ 5 đợt ngưng thở, giảm thở (mỗi đợt kéo dài ít nhất 10 giây) mỗi giờ trong khi ngủ. Bệnh thường đi kèm với một hoặc nhiều triệu chứng như ngáy to, buồn ngủ quá mức vào ban ngày, ngủ không ngon giấc, mệt mỏi hoặc mất ngủ; thức dậy với tình trạng thở hổn hển hoặc nghẹt thở…

Người bệnh có nguy cơ gặp tai nạn, chấn thương cao hơn, giảm tập trung trong công việc và rối loạn chức năng tình dục. Tình trạng này còn thúc đẩy nguy cơ mắc bệnh, trầm trọng hơn các tình trạng tăng huyết áp, suy tim, rối loạn nhịp tim, đái tháo đường, đột quỵ. Ở mức độ nặng, ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn làm tăng nguy cơ tử vong ở độ tuổi trung niên.

Phòng ngừa

Để phòng ngừa ngủ ngáy, người bệnh cần thay đổi lối sống, kiểm soát cân nặng, tránh béo phì. Không uống rượu bia, hút thuốc lá, tránh căng thẳng, thức khuya.

Người có bệnh mũi xoang, bệnh lý ở miệng họng, hô hấp cần điều trị triệt để cải thiện ngủ ngáy.

Khánh Ngọc

Độc giả đặt câu hỏi về bệnh tai mũi họng tại đây để bác sĩ giải đáp


source

Add a Comment

Your email address will not be published.