Tưởng bệnh phổi hóa hội chứng 'trái tim tan vỡ'
TP HCMBà Oanh, 71 tuổi, mệt, ho khạc đờm trắng, khó thở, tưởng bệnh phổi, bác sĩ phát hiện mắc hội chứng “trái tim tan vỡ”.
Bà Oanh bị lao phổi năm 25 tuổi, đã chữa khỏi, điều trị bệnh COPD (phổi tắc nghẽn mạn tính) hai năm nay. 4 ngày trước khi nhập viện, bà tưởng COPD trở nặng, dùng thuốc giãn phế quản xịt hít nhiều lần trong ngày. Sau đó, bà khó thở nặng đột ngột, cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM.
Ngày 29/1, BS.CKI Dương Thị Nguyệt Anh, khoa Hồi sức Nội tim mạch, Trung tâm Tim mạch, cho biết bà Oanh nhập viện trong tình trạng suy hô hấp do phù phổi cấp. Điện tim ghi nhận nhồi máu cơ tim cấp với ST chênh lên vùng trước vách mỏm. Tim co bóp yếu (phân suất tống máu thất trái EF còn 30%), chụp mạch vành hệ thống mạch máu tim bình thường.
Kết quả siêu âm tim cho thấy buồng tim trái giãn, giảm co bóp nặng ở vùng giữa và mỏm tim, trong khi phần đáy không giãn và co bóp bình thường, buồng tim trái có hình dạng giống bình hồ lô. Đây là dấu hiệu điển hình của bệnh cơ tim do căng thẳng, còn gọi là hội chứng “trái tim tan vỡ” hoặc bệnh cơ tim Takotsubo, theo bác sĩ Nguyệt Anh.
Hội chứng “trái tim tan vỡ” là bệnh lý cơ tim cấp, làm giảm chức năng tống máu của tâm thất trái, gây đau ngực, khó thở. Đây là tình trạng tổn thương tim tạm thời, do căng thẳng tinh thần hoặc thể chất nghiêm trọng, hoạt động thực thể quá mức, không phải do tắc nghẽn lòng mạch vành.
BS.CKII Võ Ngọc Cẩm, Phó khoa Hồi sức Nội Tim mạch, cho biết bà Oanh mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, hen suyễn, tụt huyết áp, trầm cảm… diễn tiến nặng cũng có thể gây ra hội chứng “trái tim tan vỡ”.
Bác sĩ điều trị suy tim cấp kết hợp thuốc giãn phế quản và kháng sinh để kiểm soát cơn COPD cấp cho bà. Sau ba ngày trị liệu, bà hết khó thở, buồng tim bình thường, chỉ số tống máu thất trái cải thiện dần, xuất viện sau 7 ngày.
Hội chứng Takotsubo còn có biểu hiện giống như hội chứng vành cấp. Triệu chứng chung là tức ngực, khó thở, nhịp tim không đều, mất ý thức hoặc ngất xỉu. Để chẩn đoán phân biệt, bác sĩ chụp mạch vành, siêu âm tim, MRI tim… Bất thường phổ biến nhất do hội chứng “trái tim tan vỡ” là phần mỏm của tâm thất trái phồng lên giống hình quả bóng.
Hầu hết bệnh nhân hồi phục hoàn toàn trong vòng 1-2 tháng và ít có nguy cơ tái phát. Một số trường hợp gặp phải biến chứng như phù phổi, huyết áp thấp, rối loạn nhịp tim, suy tim, cục máu đông trong tim.
Để ngăn ngừa hội chứng “trái tim tan vỡ“, bác sĩ khuyến cáo nên kiểm soát cảm xúc, tránh căng thẳng, lo âu quá độ. Người có các bệnh lý nền như COPD, hen suyễn, trầm cảm… nên điều trị ổn định, duy trì lối sống lành mạnh (tập thể dục đều đặn, không hút thuốc lá, không lạm dụng rượu bia, tránh thức khuya).
Thu Hà
* Tên bệnh nhân đã được thay đổi
Độc giả đặt câu hỏi bệnh tim mạch tại đây để bác sĩ giải đáp |