4 loại vaccine cần thiết cho người lớn
Người trưởng thành nên tiêm thường xuyên vaccine ngăn bạch hầu – ho gà – uốn ván, cúm, viêm gan B và phế cầu, ngoài ra có thể chích ngừa HPV, thủy đậu.
Vaccine giúp cơ thể không mắc bệnh hoặc lây lan virus, vi khuẩn cho người khác. Đồng thời, các mũi tiêm giúp giảm chi phí y tế bổ sung, duy trì sức khỏe tốt để chăm sóc gia đình, làm việc. Mặc dù chủng ngừa không giúp ngăn chặn hoàn toàn lây nhiễm mầm bệnh, song có thể giúp làm giảm mức độ nghiêm trọng của bệnh và không làm tăng tỷ lệ nhập viện.
Có rất nhiều yếu tố quyết định loại vaccine và thời điểm tiêm, như tuổi, tình trạng sức khỏe, loại hình công việc, có du lịch hay không… Vậy người lớn cần tiêm chủng các loại vaccine nào để đảm bảo sức khỏe? Có 4 loại được khuyến cáo chích ngừa thường xuyên và 4 vaccine có thể tiêm chủng phụ thuộc vào nguy cơ sức khỏe, gồm:
Tdap
Tdap là vaccine ngừa ba bệnh gồm bạch hầu, ho gà và uốn ván. Trong đó, uốn ván là bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn, ảnh hưởng cơ và dây thần kinh, gây ra chứng cứng hàm. Bạch hầu là bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn truyền nhiễm ảnh hưởng hô hấp và nuốt, có thể gây tử vong. Còn ho gà là bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn hô hấp, có thể gây ho liên tục.
Hiện, trẻ em được tiêm loại DTaP với liệu trình khoảng 5 mũi. Nếu chưa tiêm khi còn nhỏ, mọi người cần tiêm vaccine Tdap khi lớn, nhắc lại 10 năm một lần. Phụ nữ mang thai nên tiêm vaccine sớm trong tam cá nguyệt thứ ba để bảo vệ em bé.
Cúm
Vaccine cúm thường được khuyến cáo một năm một lần trong mùa cúm để bảo vệ chống lại các chủng được dự đoán sẽ lưu hành. Khả năng bảo vệ sẽ giảm dần trong một năm, do đó cần tiêm nhắc lại thường niên.
Mũi tiêm ngừa cúm có nhiều loại, một số được bào chế dành cho người cao tuổi, cho phản ứng miễn dịch mạnh hơn. Vaccine cũng có dạng xịt, tuy nhiên chứa virus sống giảm độc lực, do đó không được khuyến khích cho phụ nữ mang thai, người có hệ miễn dịch yếu…
Viêm gan B và phế cầu
Viêm gan B là bệnh do virus tấn công và làm tổn thương gan. Virus có thể gây nhiễm trùng suốt đời, xơ hóa dẫn tới ung thư gan và tử vong. Do đó, người lớn từ 19 đến 59 tuổi, người từ 60 tuổi trở lên có yếu tố nguy cơ mắc bệnh nên tiêm ngừa viêm gan B.
Còn phế cầu khuẩn thường gặp ở trẻ nhỏ, là nguyên nhân hàng đầu gây viêm phổi cộng đồng. Tuy nhiên người lớn tuổi có nguy cơ mắc bệnh nặng và tử vong cao hơn. Do đó, vaccine ngừa vi khuẩn này được khuyến cáo cho trẻ em, người già và những người trưởng thành nguy cơ cao mắc bệnh.
Các loại vaccine khác
Người lớn có thể được tiêm các loại vaccine dưới đây tùy thuộc vào nguy cơ bệnh tật hoặc tình trạng tiêm chủng trước đó.
HPV: Gia đình nên chủng ngừa cho trẻ từ 11 đến 12 tuổi, có thể tiêm cho đến 26 tuổi. Một số người lớn từ 45 tuổi trở xuống có thể tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi chích ngừa, tùy thuộc vào các yếu tố nguy cơ.
Não mô cầu khuẩn: Vaccine này ngăn bệnh viêm màng não do não mô cầu. Lý do là bệnh có tính chất nặng nề, để lại di chứng như liệt, ảnh hưởng trí tuệ dù được điều trị khỏi. Do đó, nếu có nguy cơ cao, mọi người nên tiêm ngừa não mô cầu. Những người từ 19 đến 23 tuổi nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi chủng ngừa.
MMR: Đây là vaccine ngừa ba bệnh sởi, quai bị và rubella. Trong đó, sởi gây sốt, ho, đỏ mắt… và thường phát ban khắp cơ thể. Bệnh có thể dẫn đến co giật, nhiễm trùng tai, tiêu chảy và viêm phổi. Còn quai bị khiến tuyến nước bọt dưới tai sưng, sốt, nhức đầu, đau cơ; có thể biến chứng điếc, sưng các cơ quan não, tinh hoàn và buồng trứng. Rubella có thể biến chứng viêm khớp ở trẻ trẻ dậy thì, sảy hoặc dị tật thai nhi ở mẹ bầu.
Thủy đậu: Thủy đậu gây ra các triệu chứng gồm mụn nước, phát ban, sốt… Bệnh thường kéo dài 5-10 ngày, lành tính, sẽ biến chứng khi nhiễm kéo dài. Người lớn mắc thủy đậu có thể trở nặng hơn so với trẻ em, vì vậy nên tiêm nhắc thủy đậu để giảm khả năng trở nặng.
Khách du lịch: Nhóm người này có thể được yêu cầu hoặc khuyến nghị tiêm chủng phù hợp với điểm đến hoặc thời tiết trong chuyến du lịch. Khách du lịch nên tham khảo ý kiến của nhân viên y tế và hoàn thành chủng ngừa trước chuyến đi tối thiểu một tháng để đảm bảo đủ miễn dịch phòng bệnh.
Chi Lê (Theo VeryWell Health, CDC Mỹ)